Tại sao có hiện tượng phụ nữ khó thở khi mang thai?
Được làm mẹ chính là thiên chức của bất cứ người phụ nữ nào. Tuy nhiên, cơ thể của chị em có những thay đổi bất thường do hormon biến đổi. Cho nên, hân hoan đón chào thành viên mới là một chuyện. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng phải đối mặt với không ít khó khăn.
Trong đó, tình trạng khó thở là hiện tượng rất phổ biến ở mẹ bầu. Đặc biệt là vào những tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu sẽ càng gặp khó khăn trong việc thở. Không ít thai phụ luôn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức trong những tháng cuối của thai kỳ. Hiện tượng khó thở luôn khiến các mẹ bầu lo lắng. Bởi không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Đặc biệt là đối với những mẹ bầu có biểu hiện khó thở về đêm.
Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp khó thở khi mang thai đều đáng lo. Chỉ những trường hợp khó thở đi kèm các dấu hiệu bất thường, mẹ bầu mới cần đến bệnh viện. Vậy, đâu là biểu hiện bình thường, đâu là lúc cần phải được sự tư vấn của bác sĩ? Cùng tìm hiểu ngay qua bài viết sau của OKZ nhé!
Hormone thay đổi – Thủ phạm gây khó thở khi mang thai
Khó thở trong khi mang thai có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Nhiều mẹ có thể “trải nghiệm” cảm giác khó thở vào giai đoạn cuối thai kỳ. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp mẹ bầu bị khó thở ngay từ những ngày đầu thai kỳ.
Khó thở trong giai đoạn mang thai có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Khi mang thai, nồng độ hormone progesterone tăng cao làm ảnh hưởng đến phổi và kích thích trung tâm hô hấp ở não. Từ đó làm mẹ bầu khó thở hơn. Hơi thở cũng trở nên gấp gáp hơn.
Trong một số trường hợp thiếu máu khi mang thai do thiếu sắt nhưng không được điều trị kịp thời cũng có thể làm mẹ bầu gặp khó khăn trong việc hít thở.
Ngoài ra, tình trạng khó thở khi mang bầu cũng có thể do sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Thai nhi càng phát triển, tử cung càng mở rộng sẽ chèn ép làm hoạt động của cơ hoành bị hạn chế, làm mẹ bầu khó thở hơn.
Khó thở khi mang thai – Khi nào cần lo?
Theo nghiên cứu, khó thở trong khi mang thai có thể xảy đến với 60-70% mẹ bầu. Hầu hết các trường hợp này đều không gây vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị khó thở kèm theo một số triệu chứng khác như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt…, mẹ nên nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra ngay. Đó có thể là “báo động” nguy cơ huyết áp thấp khi mang thai. Với những mẹ bầu có tiền sử cao huyết áp, hen suyễn…, khó thở lúc mang thai cũng có thể dẫn đến tình trạng rất nguy hiểm.
Khó thở kéo dài khi mang thai kèm theo một vài triệu chứng như sốt, ớn lạnh, nhịp thở nhanh, đau ngực, hoặc đau khi ho, thở… có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Mẹ bầu nên nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và điều trị kịp thời.
Cách khắc phục khó thở khi mang thai
Sự thay đổi hormone là nguyên nhân chính của tình trạng khó thở trong thai kỳ. Vì vậy, mẹ bầu không thể làm gì để tình trạng này biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể tìm cách giảm bớt sự khó chịu do những cơn khó thở mang lại. Chúng mình mách mẹ một số cách giảm khó chịu rất hiệu quả nhé!
– Thay đổi tư thế khi cảm thấy khó thở. Nếu đang ngồi, mẹ bầu nên ngồi thẳng lưng, đẩy vai ra phía sau. Khi nằm ngủ, mẹ có thể chèn gối ở phía trên để giảm bớt áp lực của tử cung lên cơ hoành.
– Thường xuyên tập tập thể dục cho bà bầu. Những bài tập nhẹ nhàng, như yoga cho bà bầu sẽ giúp mẹ bầu điều hòa và kiểm soát hơi thở tốt hơn, cung cấp thêm oxy cho phổi. Bơi lội, đi bộ hoặc các bài tập hít thở cũng mang lại hiệu quả tương tự.
Tóm lại, khó thở lúc mang thai tuy không quá nghiêm trọng nhưng mẹ bầu nên hết sức lưu ý những dấu hiệu bất thường kèm theo.
Nguồn: huggies.com.vn